Khai cuộcNhập mônVIP

[PDF] Nghi Hình Và Công Kích – Sách Khai Cuộc Cờ Tướng Hay Nhất

THÔNG TIN SÁCH – Nghi Hình Và Công Kích

Tiếng Trung: 象棋特级大师讲布局 – 疑形与攻击 (Nghi Hình Dữ Công Kích)

Tác giả: Diêm Văn Thanh – Trương Cường

Biên dịch: Quốc Minh

Số trang: 315

Năm xuất bản: 2024

Được sự ủy quyền của dịch giả Quốc Minh, Tiểu tử hân hạnh được làm cầu nối để chia sẻ cuốn sách hay tới tất cả mọi người.

Nghi Hình Và Công Kích
Nghi Hình Và Công Kích

LỜI TỰA

Nghệ thuật cờ tướng ẩn chứa trí tuệ và tri thức phong phú sâu sắc, vừa bao la rộng lớn tựa như núi cao rừng thẳm, vừa như sóng nước đại dương cuồn cuộn đắm say lòng người.
Các độc giả thân mến, khi đối diện với vô vàn sách học bố cuộc cờ tướng như vậy có lẽ bạn phải thở dài vì khi hết chuyên tập này đến chuyên tập khác, hết bí kíp này đến bí quyết khác, hết phi đao này đến phi đao khác, hết phi đạn này đến phi đạn khác, khiến bạn hoa mắt chóng mặt; khi thấy bối rối không biết làm sao, khi bạn cảm thấy sách nhiều như vậy thì rốt cuộc đâu mới thực sự là bí tịch, có bao giờ nghĩ đến hai vị tượng kỳ đặc cấp đại sư Diêm Văn Thanh và Trương Cường sớm đã đồng tình với bạn.
Có thể bạn đã có vinh dự đọc qua rất nhiều tác phẩm bố cuộc hay, nhưng các tác phẩm vàng thau lẫn lộn đã làm tổn thương niềm hứng thú của bạn, bị chôn vùi trong núi sách đó thì bạn làm sao có thể vượt qua chướng ngại trùng trùng của bố cuộc, giải khai những vấn đề khó nắm bắt trong bố cuộc cơ chứ?
Chính lúc bạn băn khoăn bối rối nhất thì hai vị tượng kỳ đặc cấp đại sư Diêm Văn Thanh và Trương Cường đã dùng ánh sáng trí tuệ của họ để viết nên bộ sách này.
Tác giả ý thức với trách nhiệm và sứ mệnh cao cả đó, đứng trên góc độ của đại sư nhìn bố cuộc cờ tướng thế giới từ cao xuống thấp, lấy độc giả sơ cấp và trung cấp làm đối tượng, xuất phát từ phương diện văn hóa và cờ tướng nghệ thuật, dũng cảm đổi mới sáng tạo, dùng sức xuyên thấu nhạy bén để hóa giải các vấn đề khúc mắc thường gặp trong bố cuộc, thậm chí đã khai thác rất nhiều góc chết không được người ta chú ý đến. Tôi tin rằng với mệnh đề xuất sắc, phân tích thấu đáo, tầm nhìn của người dẫn đầu, nhất định có thể giúp bạn hấp thụ tinh hoa binh pháp từ “Định thức và chiến lý”, lĩnh hội niềm hứng khởi đập tan các cạm bẫy từ “Cạm bẫy và đối sách”, hưởng thụ niềm vui công kích hình yếu trong “Nghi hình và công kích”! Tôi tin rằng bộ sách này cũng rất có giá trị tham khảo với kỳ thủ chuyên nghiệp.
Định thức bố cuộc chắt lọc từ thực tiễn tôi luyện qua nhiều thế hệ danh gia mà thành, đã tổng kết tính hợp lý rõ ràng của nước đi qua nhiều hồi giao chiến. Trong phần “Định thức và chiến lý”, tác giả đã phân tích sâu và có hệ thống từ các tư liệu xác thực mà người xưa để lại, gạn đục khơi trong. Đối với các định thức kinh điển, tác giả đã tiến hành mổ xẻ và quy nạp, phân rõ tầng cấp, phân tích thấu triệt, gợi mở cho bạn lối tắt đột phá mô thức truyền thống.
Bố cuộc cạm bẫy là trong vòng mấy hồi ở giai đoạn bố cuộc, người chơi cờ ở một bên nào đó chủ động xé sách thoát ly định thức, bất ngờ áp dụng thủ đoạn có tính quấy nhiễu và mê hoặc, lên kế hoạch dẫn dụ đối phương ứng phó sai lầm từ đó mắc bẫy. Trong phần “Cạm bẫy và đối sách”, tác giả dùng nội dung chi tiết phong phú, kiến giải mới mẻ độc đáo, bỏ giả giữ thật, giúp bạn phá tan bức màn thần bí của cạm bẫy, sau đó phản kích hiệu quả nhất!
Bố cuộc nghi hình là trong giai đoạn bố cuộc, do một bên nào đó xuất thủ theo quán tính hoặc thiếu mục tiêu và lý tính, vô ý hình thành kết cấu hình cờ ẩn tàng điểm yếu. Trong phần “Nghi hình và công kích”, tác giả chỉ ra rõ thế nào là nghi hình, làm thế nào để tránh nghi hình, làm thế nào công kích nghi hình, giúp bạn tạo dựng ưu thế, nắm bắt cơ hội chiến thắng.
Bộ sách này với bút pháp đặc biệt đã giúp người yêu cờ phác họa một thế giới bố cuộc thần kỳ và đặc sắc, lấy định thức làm vật tham chiếu, dùng nước đi chính xác làm định lượng, dùng cạm bẫy và nghi hình làm đại lượng biến thiên, dùng kỳ lý làm phương trình, lấy lực học đối kháng làm nguyên tắc, tìm ra đối sách và câu trả lời chính xác. Đây là chìa khóa vàng mà tác giả trao cho bạn để bước vào vương quốc cờ tướng.
Với tư cách là người anh và bạn thân của hai tác giả, tôi cảm thấy rất vui khi được viết lời tựa cho bộ sách này! Càng có thể vì họ nỗ lực vất vả không ngừng đột phá trong giới cờ tướng mà cảm thấy an ủi tự đáy lòng! Sau cùng hy vọng bộ sách này có thể trở thành thầy giỏi bạn tốt của đông đảo các kỳ hữu.

ĐCĐS LÝ LAI QUẦN

LỜI NÓI ĐẦU

Văn hóa và cờ tướng nghệ thuật với tư cách là trò chơi mô phỏng thể chế chiến tranh, dưới sự dày công nghiên cứu của các thế hệ kỳ thủ thì hiện tại đã bước vào thời kỳ phồn thịnh chưa từng có. Bố cuộc ngày càng phát triển chuyển biến từng ngày, các loại biến hóa mới xuất hiện, các định thức không ngừng cải tiến trong bình cũ lại có rượu mới, đã đưa các kỳ hữu yêu cờ vào thế giới hỗn loạn. Làm thế nào có thể giúp họ hiểu và sử dụng định thức đúng đắn, nâng cao năng lực đoán định chiêu mới là trách nhiệm không thể thoái thác của những người nghiên cứu chuyên nghiệp như chúng tôi.
Bố cuộc chiếm một địa vị chiến lược vô cùng quan trọng trong toàn cuộc, đặc biệt là thắng bại giữa các kỳ thủ có trình độ cao phần lớn quyết định bởi độ sâu nghiên cứu bố cuộc, khác biệt giữa kỳ thủ nghiệp dư và kỳ thủ chuyên nghiệp chủ yếu nằm ở bố cuộc. Trong những năm 60 70 của thế kỷ 20, nhất đại tôn sư Hồ Vinh Hoa tiên sinh do không ngừng gạn đục khơi trong sửa cũ tạo mới trong bố cuộc mà đã giành được những chiến tích rực rỡ. Khi đó bố cuộc còn rất nhiều mảnh đất còn chưa khai phá, đây là hạn chế không thể tách rời với thời cuộc. Bố cuộc hiện tại đã đạt đến độ sâu rộng tương đối, hiện đã phát triển theo hướng cao – tinh – thâm– vi.
Sự hình thành của định thức bố cuộc hiện đại là thành quả không ngừng tìm tòi nghiên cứu của nhiều thế hệ cao thủ cờ tướng. Nắm bắt định thức là nền tảng học tốt bố cuộc, nhưng đối với nhận thức định thức phải xem xét dựa trên quan điểm thời đại và quan điểm phát triển biến hóa, chứ không thể đứng trên quan điểm cứng nhắc nhất thành bất biến.
Sự xuất hiện của cạm bẫy bố cuộc có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển biến hóa của định thức. Thông thường mà nói, sử dụng cạm bẫy có đặc điểm của tính chủ động và tính kín đáo, mà cao thủ sử dụng với người cờ thấp mang ý nghĩa khảo nghiệm nghiên cứu tân chiêu có chính xác hay không, mang sắc thái lên kế hoạch có chuẩn bị rõ ràng hay không.
Trong đó đặc trưng tâm lý là đánh giá đối thủ có tìm ra được thủ đoạn phản kích chính xác, cho dù đối thủ ứng phó chính xác hoặc gần chính xác thì thường vẫn có nước đi ứng phó tiếp sau đó để không đến nỗi nhanh chóng rơi vào thế bị động. Sử dụng cạm bẫy giữa các kỳ thủ có trình độ tương đương nhau, tuy có kế hoạch nhưng chưa hẳn có thể nắm bắt, trong đó đặc trưng tâm lý là hy vọng đối thủ không phát hiện cạm bẫy hoặc có điểm mù với định thức, một khi đối phương phản kích mạnh mẽ thì chưa chắc có thể nắm bắt tốt sự phát triển của cuộc thế. Còn kỳ thủ thấp cờ dùng cạm bẫy với cao thủ thường luôn có tâm lý cầu may, hy vọng đối thủ ứng phó sai lầm, hễ đối thủ phản kích có lực thì không chịu nổi một đòn. Kỳ thủ sơ trung cấp sử dụng cạm bẫy phi đao thường sẽ từ trong kỳ phổ tùy ý đánh ra mà không giám định tốt xấu, khi sử dụng cũng thường sẽ mắc sai lầm mà rơi vào thế bị động.
Bối cảnh sinh ra nghi hình và cạm bẫy không giống nhau, bất kể kỳ thủ ở một trình độ cao nào đó thì trong đánh cờ đều có thể đi ra nghi hình.
Nghi hình xuất hiện thiếu chuẩn bị và kế hoạch thường do sơ ý, đi cờ tiện tay, tận lực cầu biến hoặc tư duy quán tính mà bước vào ngã rẽ sai lầm một cách vô ý thức. Điểm yếu trong kết cấu hình cờ của nghi hình không rõ ràng, ẩn tàng khá kín, không dễ phát giác hoặc phá giải, do các quân cờ trong nghi hình liên kết khá chặt chẽ, thường phải qua nhiều hồi tranh đoạt thì mới có thể phơi bày ra, cho nên phán đoán nghi hình đòi hỏi cần phải có sự nhạy cảm cục diện, năng lực phân tích và dự đoán ở trình độ cao.
Lý luận tác chiến trong cờ tướng là quy luật khách quan của kết cấu mô hình trong quá trình đánh cờ, phản ánh mối liên hệ bên trong giữa các quân cờ. Thực hiện công kích nghi hình và đưa ra đối sách với cạm bẫy đều phải tôn trọng quy định khách quan của thi đấu cờ tướng, phát huy đầy đủ tính năng động chủ quan. Vi phạm quy luật khách quan của tác chiến cờ tướng thì sẽ gặp bất lợi trong thực chiến.
Bộ sách này thử trình bày và phân tích những quan điểm mới mẻ về định thức, cạm bẫy và nghi hình, hy vọng có thể có ích cho việc nâng cao năng lực tác chiến bố cuộc của kỳ thủ sơ trung cấp. Mặc dù chúng tôi đã lấy việc theo đuổi tính hoàn mỹ của bố cuộc làm điểm xuất phát nhưng những lý luận trong bộ sách này vẫn cách nội hàm bát đại tinh thâm của văn hóa và nghệ thuật cờ một khoảng cách khá xa. Nếu như bộ sách này có thể thúc đẩy bố cuộc cờ tướng phát triển theo hướng hoàn mỹ thì đã chúng tôi đã không hổ thẹn với trọng trách mà thời đại giao phó rồi.
Bộ sách gồm 3 quyển “Tượng kỳ đặc cấp đại sư giảng bố cuộc – Định thức và chiến lý”, “Tượng kỳ đặc cấp đại sư giảng bố cuộc – Cạm bẫy và đối sách”, “Tượng kỳ đặc cấp đại sư giảng bố cuộc – Nghi hình và công kích”. Lần này là tái bản. Trên cơ sở bản đầu tiên (năm 2007), chúng tôi đã tiến hành tu chỉnh lại, kiểm tra và bổ sung những thiếu sót, sửa chữa các lỗi sai. Ngoài ra còn bổ sung và bình luận phân tích thêm phần 12 – đối cuộc điển hình. Hy vọng ở lần chỉnh lý này có thể gửi đến đông đảo người yêu cờ tác phẩm hoàn hảo hơn.
Xét thấy kiến thức bản thân chúng tôi có hạn, lại thêm dung lượng bộ sách khá lớn nên trong sách khó tránh khỏi sẽ xuất hiện thiếu sót và sai lầm, rất mong đông đảo kỳ thủ vui lòng chỉ giáo, phê bình góp ý, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc!

TÁC GIẢ

LỜI NGƯỜI DỊCH

Các kỳ hữu gần xa thân mến!
Có lẽ khi bạn cầm trên tay quyển thứ 3 “Nghi hình và công kích” này thì bạn đã có trong mình một lượng kiến thức nhất định về định thức bố cuộc cũng như cạm bẫy. Chúng ta đã hoàn thành 2/3 chặng đường của bộ sách Tượng kỳ đặc cấp đại sư giảng bố cuộc và đây là chặng cuối cùng bạn cần phải hoàn thành.
Tinh hoa của đánh cờ là tấn công, muốn giành chiến thắng thì phải biết tự tìm kiếm cơ hội cho riêng mình, nó không ở đâu xa mà trước hết là ở ngay chính trong hình trận đối thủ bài bố trong khai cuộc (trung cuộc và tàn cuộc không thuộc phạm vi bàn của quyển sách này). Phải luôn có ý thức tấn công thì mới có thể kích thích tư duy đột phá sáng tạo ra những nước cờ hay ngoài sức tưởng tượng của đối thủ. Nhưng tấn công tuyệt đối không phải liều mạng xông lên – đó chẳng khác nào húc đầu vào vách đá, nhất là khi đối phương ngày đêm xây thành đắp lũy, thành cao hào sâu thì chúng ta càng phải nhìn nhận đúng đắn điểm yếu của đối thủ trước khi hành động. Binh pháp có câu “Tránh thực đánh hư” chính là ý tưởng này. Có những thành trì bề ngoài tưởng như kiên cố một giọt nước cũng không lọt luôn khiến chúng ta bí bách ý tưởng tấn công nhưng ở đó vẫn có mắt xích mỏng yếu nhất và mắt xích quan trọng nhất. Chỉ cần chúng ta nhìn nhận đánh giá chính xác cục diện, tập trung đủ binh hùng tướng mạnh, khí giới sẵn sàng, cho dù phải cất công vượt núi băng rừng, có hy sinh đổ máu thì người trước ngã xuống người sau đứng lên tiếp tục sứ mệnh cao cả. Lật ngược lại vấn đề một chút, “Binh đến tướng cản, nước đến đắp bờ”, cũng có khi tấn công vào mắt xích mỏng yếu lại dễ bị đối phương phát hiện và ra sức phòng thủ, khi đó càng khó đột phá. Lúc ấy, có thể suy nghĩ chuyển sang tấn công vào mắt xích quan trọng nhất, phá hoại được mắt xích đó thì cũng như mở được cánh cửa thành trì đối phương, hình trận đối phương sẽ xộc xệch, lúc ấy chiến cơ sẽ xuất hiện nhiều hơn. Chẳng hạn như đối phương bày trận sĩ giác Pháo thì mắt xích phòng thủ quan trọng nhất là quân Pháo Sĩ giác, ta có thể suy nghĩ tìm cách ép đổi quân Pháo sĩ giác đó đi, một khi kế hoạch chúng ta thành công thì đối phương sẽ rơi vào cảnh lúng túng do hệ lụy là sơ hở xuất hiện nhiều, khó bề xử lý ổn thỏa.
Nếu nói “Cạm bẫy” là cấu tứ tấn công kiểu thăm dò phản ứng của đối thủ (nhiều lúc muốn tấn công đối thủ không nhất thiết phải chiếm thế thượng phong mà đưa ra các nước đi mang tính mê hoặc gây ảo giác để đánh lừa đối thủ, chờ đối thủ đi cờ sai lầm rồi sẽ tung ra hàng loạt các nước cờ tinh xảo tấn công trở lại đối thủ) nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, một khi đối thủ nhìn thấu ý đồ và đưa ra đối sách thỏa đáng thì chẳng khác nào tự mua dây buộc mình; còn “Nghi hình và công kích” tác giả định hướng cho chúng ta một cách tiếp cận khác, suy nghĩ cách tấn công chủ động nhưng cũng không quên nhấn mạnh rằng phải đặc biệt chú ý phân biệt nghi hình (điểm yếu thực sự ẩn chứa trong hình trận đối thủ) và cạm bẫy (có thể là đối phương cố tình để lộ ra sơ hở dẫn dụ chúng ta lao lên tấn công). Thực ra ranh giới giữa cạm bẫy và nghi hình khá mỏng manh, không rõ ràng vì đều có điểm chung là tiềm ẩn điểm yếu, nếu chúng ta khai thác và tấn công chính xác thì sẽ có thu hoạch… Cũng như quyển “Cạm bẫy và đối sách”, các cuộc cờ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó (từ hình cờ dễ phát hiện điểm yếu đến hình cờ dường như chẳng có gì bất thường cả) nhằm dẫn dắt mạch tính tư duy của người học, có giá trị gợi mở cao.
Vì suy cho cùng tấn công có rất nhiều cách, không thể rập khuôn máy móc mà phải năng động biến hóa! Hy vọng quyển sách này là một tài liệu tham khảo bổ ích giúp độc giả có cái nhìn cục diện nhạy bén, kích thích tiềm năng tư duy tấn công đa dạng đột phá… Trong quá trình nghiên cứu và dịch thuật, người dịch cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc gửi đến anh Trần Trung Tuấn, Nguyễn Thanh Hiệp và dịch giả trẻ tuổi Vương Lãng – những người đã không tiếc thời gian và công sức đưa ra những đóng góp chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm quý báu giúp tôi hoàn thành quyển sách này! Mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn rất khó tránh khỏi một số sai sót, rất mong nhận được sự góp ý của các kỳ hữu và anh em yêu cờ gần xa để quyển sách ngày càng hoàn thiện hơn!

DỊCH GIẢ

MỤC LỤC

NGHI HÌNH VÀ CÔNG KÍCH ĐIỂN LỆ

Chương 1: Loại hình Thuận Pháo

Chương 2: Loại hình Trung Pháo đối Bình phong Mã

Chương 3: Loại hình Trung Pháo đối Tam bộ hổ và Liệt thủ Pháo

Chương 4: Loại hình Trung Pháo đối Phản cung Mã

Chương 5: Trung Pháo đối các loại bố cuộc khác

Chương 6: Loại hình Tiên nhân chỉ lộ

Chương 7: Loại hình Phi Tượng cuộc

Chương 8: Các loại hình khác

PHỤ LỤC: THỰC CHIẾN ĐỐI CUỘC THAM KHẢO


NGHI HÌNH VÀ CÔNG KÍCH ĐIỂN LỆ

Bố cuộc nghi hình là chỉ kết cấu hình cờ mang điểm yếu ngầm do chú trọng được mất cục bộ mà thiếu suy nghĩ tổng thể tạo thành.
Quyển sách này tuyển chọn 80 cuộc ví dụ điển hình thường gặp trong thực chiến, thông qua câu từ dễ hiểu nội dung sâu sắc, tác giả đã chỉ ra các bố cuộc nghi hình đi ngược lại đạo lý đánh cờ mà chúng ta quen tay đi thành, không lấy làm lạ, vận dụng phương châm chiến thuật tận dụng kịp thời, trực tiếp thăm dò chỗ yếu hại của hình cờ, phô bày ra trước mắt độc giả một hệ thống các phương pháp công kích mang ý nghĩa gợi ý rõ ràng.

CHƯƠNG 1: LOẠI HÌNH THUẬN PHÁO

Cuộc 1: Đương đầu bổng hát (Gậy gõ vào đầu hét lớn )

Vui lòng quay ngang điện thoại để xem thêm bình chú


Bên Đen đến hồi thứ 5 bình Xe tróc Chốt, trái với kỳ lý, khó tránh cô quân thâm nhập. Đối phó lại, bên Trắng phế Chốt đánh đòn phủ đầu, ví như “gậy gõ vào đầu hét lớn” (một đòn cảnh tỉnh), khiến Xe Đen tiến thoái lưỡng nan. Trong 3 biến 1 2 3, bên Trắng hoặc là phế quân tranh tiên nhất cử tạo sát hoặc là thuận nước đẩy thuyền xuất kích “nước chảy thành sông” hoặc điều binh khiến tướng thành thạo điêu luyện, đều có thể giành được cục diện ưu thế.
Triển khai quân lực đồng đều là nguyên tắc bố cuộc có ý nghĩa phổ biến.
Đặc biệt là bên Đen với tư cách là bên hậu thủ thì càng phải chống lại tiên thủ của Trắng trước, sau đó mới thừa cơ phản kích. Trong cuộc này, khi hình trận còn chưa củng cố thì bên Đen lại mù quáng tấn công, phải đổi lại cái hại, tự rơi vào thế khó. Ngược lại bên Trắng đi cờ quyết đoán, sấm rền gió cuốn, có thể gọi là thị phạm kinh điển của công kích nghi hình.



PHIÊN BẢN XEM ONLINE

Ủng hộ Tiểu Tử Thích Cờ

MUA SÁCH GỐC Ở ĐÂU?

Nếu thực sự thích cuốn sách này, bạn hãy mua sách giấy để ủng hộ dịch giả nhé!

  • Giá sách: 350K
  • Tặng kèm CBL

Link đặt mua: Sách Cờ Tướng – Nghi Hình và Công Kích

Mua kèm bộ ĐCĐS giảng bố cục để nhận ưu đãi từ Tiểu Tử Thích Cờ

ĐƯỢC SỰ ỦY QUYỀN CỦA DỊCH GIẢ QUỐC MINH

Xem danh sách toàn bộ các tài liệu mà Tiểu tử thích cờ đã chia sẻ tại đây


Góc đàm đạo